Trang

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN



TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN


Người nhà vừa mổ xong, phòng quản lý bệnh nhân đã thông báo ngày thứ ba xuất viện. Trong khi người nhà còn đau nhức khổ sở, nằm trở người không được mà nói chuẩn bị xuất viện. Đầu óc tôi hoang mang không biết thế nào đây. Có lẽ do bệnh viện quá tải nên không lưu bệnh nhân ở lâu được. Sang ngày thứ hai, bác sĩ đến thăm bệnh, tiến hành các động tác tập co dãn khớp gối chân theo kiểu vật lý trị liệu. Vết thương đầu gối bệnh nhân được nối với một ống nhựa thông ra ngoài nhằm rút các nước dịch sau mổ cho sạch cứ rỉ máu, nhìn thấy mà xót xa. Bác sỹ vẫn dìu bệnh nhân cứ tập cho dù có đau đớn thế nào cũng không nghỉ. Sáng ngày thứ ba sau mổ, bác sỹ tiếp tục đến bắt tập đi bằng một cái khung bốn chân khoảng một tiếng đồng hồ. Thế rồi ông tiến sỹ y khoa chuyên khoa xương khớp, người trực tiếp mổ và cho phương án điều trị bệnh nhân, ông ta đến thăm bệnh và phân tích nguyên nhân phát bệnh và hậu quả khôn lường nếu không tiếp tục điều trị dứt điểm. Nghe ông nói mà đầu óc tôi quay cuồng, mồ hôi trán chảy ròng. Việc chữa trị lần này chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, chỉ nạo đi những cái gai và các mô viêm ở khớp để có thể co giãn khớp gối được không còn cạ đau thôi. Đây là một căn bệnh mang tính di truyền, viêm khớp dạng thấp, nếu không điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến viêm đa khớp, tất cả các khớp trong cơ thể đều bị viêm, hư hỏng hết, bệnh nhân sẽ đau khớp nặng thêm mà không thể đi lại, ngồi nằm gì được, ảnh hưởng đến tim dẫn đến tử vong. Đúng là bệnh di truyền thật, tôi liên hệ đến người chị ruột của bệnh nhân cũng bị bệnh y như thế nầy. Chị ấy cũng phát bệnh cũng cỡ tuổi 55 như người nhà của tôi. Tôi hỏi bác sỹ, vậy thì có thể tiếp tục chữa trị ngay được không? Bác sĩ nói, như thế thì tốt quá, khỏi phải làm thủ tục xuất nhập viện mất thời gian và tốn kém thêm các chi phí làm thủ tục chẩn đoán như ban đầu. Muốn trị khỏi, tôi có phát đồ điều trị tiên tiến nhất hiện nay được chuyển giao từ Hoa Kỳ. Phải trị tiếp tục trị hai đợt, mỗi đợt chi phí 75 triệu đồng, chạy thuốc mỗi đợt trong vòng 15 ngày. Ông nói, anh làm thủ tục tạm ứng đợt một 75 triệu đồng cho bệnh viện rồi lấy biên lai báo với phòng quản lý bệnh nhân tại khoa thì tôi mới có thể cho phát đồ điều trị, khi đó BV mới xuất thuốc và cung cấp các phương tiện để điều trị. Còn tôi thì không sẵn tiền thì biết làm sao đây. Hỏi phòng quản lý có cho nợ vài hôm để tôi chạy tiền được không? Họ bảo không được. Thế là tôi đành làm thủ tục xuất viện, mọi chi phí phẩu thuật chữa trị trong 3 ngày bay mất 20 triệu đồng. Bác sĩ cho về dưỡng bệnh sau 15 ngày tái khám, nếu quyết định điều trị dứt điểm thì chuẩn bị đủ tiền để làm thủ tục điều trị luôn. Cùng ngày hôm đó tôi đưa người nhà đi về bằng tàu lửa. Tôi phải trợ giúp đi lại lên xuống tàu xe thật là vất vả. Người nhà tôi phải đi bằng cái khung 4 chân trông thật thê thảm. Bây giờ trong đầu tôi luôn nghĩ làm sao chạy mượn được tiền để chữa trị giai đoạn tiếp theo đây. Tôi đã tâm sự với người bạn học cùng trường có điều kiện kinh tế tốt, người bạn sốt sắng cho tôi mượn 75 triệu đồng trị được một đợt thôi, nhưng phải đến 25 tháng chạp ÂL thu hồi nợ mới cho mượn. Ngày 03/12 tái khám và điều trị tiếp mà bạn hẹn đến cuối tháng chạp thì biết sao đây. Trong đầu tôi lại tiếp tục nghĩ đến một ân nhân thứ hai nào nữa đây để có thể mượn được 75 triệu đồng trong khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 11 mới có thể đi chữa trị tiếp. Có lẽ phải làm thủ tục vay chăng?! Nhưng nhà thì chưa có tiền làm sổ sở hữu cũng không vay được. Vay bằng bảo lãnh lương thì quá ít, không đủ chi phí chữa trị. 
Cầu mong những khó khăn sẽ từng bước vượt qua.

tiengsonca

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

NHẬP VIỆN



NHẬP VIỆN

Tôi đưa người nhà đi chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Lên tàu hỏa ga Diêu trì lúc 16h30, đến 4h30 sáng hôm sau đến TP. HCM. Đón taxi đến KS đã đặt trước gần bệnh viện để tiện vào bệnh viện khám và điều trị. Lúc 5h sáng đã có mặt tại KS, Còn quá sớm, KS chưa mở cửa phải ngồi chờ. Hơn 6h, KS mới mở cửa, tuy nhiên khách chưa trả phòng nên không có phòng trống để vào ở ổn định; đành phải gửi hành lý tại KS và đi ngay đến bệnh viện. Vào bệnh viện xếp hàng lấy số thứ tự lúc 6h30 đã đến con số 153. Theo dự báo, số thứ tự này phải đến khoảng 11h mới đến lượt vào khám được. Thế là đi ăn sáng rồi về khách sạn. Khách sạn vẫn chưa có phòng trống, đành phải chuyển đến cơ sở hai của KS đó nằm trong con hẻm, phải mất 5 phút đi bộ nữa. Về phòng KS nghỉ ngơi lấy lại sức, đến 9h30 qua bệnh viện xem thử, đã đến số thứ tự 100. về KS dẫn người nhà đến ngay bệnh viện ngồi chờ. Người đi khám bệnh tại bệnh viện đông nườm nượp, đến hàng ngàn người. Ngồi chờ, rồi cũng đến lượt mình vào phòng khám. Tuy nhiên lúc này không có bác sỹ chuyên khoa của mình đã hẹn trước, phải ngồi chờ tiếp đến 12h bác sỹ đã hẹn trước mới đến thay ca khám bệnh. Được bác sỹ, tiến sỹ y khoa chuyên xương khớp khám bệnh cho người nhà. Ông tư vấn cho phương án điều trị bằng phương pháp phẩu thuật nọi soi khớp gối. Tiếp theo, phải tiến hành các xét nghiệm, chụp X quang, chụp MRI, siêu âm điện tim, kiểm tra gây mê tiền mổ... Các công việc trên tiếp tục làm suốt trưa đến chiều qua tới tối, đến 20h cùng ngày mới hoàn tất các dữ liệu bệnh án, bác sỹ mới quyết định mổ hay không. Buổi sáng ngày tiếp theo, bác sỹ quyết định cho phẩu thuật nội soi, người nhà bắt đầu phân vân và lo lắng, không biết sao mà nhanh đến vậy; bản thân mình cũng lo lắng, liền gặp bác sỹ để hỏi cho rõ. Bác sỹ cũng tâm lý, thấy mình phân vân, liền giới thiệu một bệnh nhân khác đến tái khám để tìm hiểu cho rõ mà yên tâm. Việc trao đổi với người bệnh đi trước thấy cũng yên tâm nên ký ngay giấy mổ. Buổi sáng cùng ngày, tiếp tục kiểm tra tim, đến 10h đưa vào phòng chuẩn bị mổ, người nhà ngồi bên ngoài phòng mổ hồi hộp, lo lắng, không biết tình hình thế nào; mãi đến hơn 13h, nhìn trên bảng thông tin điện tử để bên ngoài phòng hậu phẩu có thông tin của người nhà, đã mổ xong lúc 13h, tình trạng tỉnh táo. Thế là yên tâm chờ họ đưa về phòng theo dõi điều trị những ngày tiếp theo.

tiengsonca

MỘT ĐÊM TẠI BỆNH VIỆN



MỘT ĐÊM TẠI BỆNH VIỆN

Đêm đầu tiên tôi ở lại phòng bệnh nhân để chăm sóc người nhà. Trong phòng bệnh có năm giường bệnh. Mỗi người bị đau một kiểu, không ai giống ai, nhìn bệnh nhân nào cũng thấy nhăn nhó đau khổ. Nào là mổ bánh chè, tai nạn xe gãy chân phải mổ kết nối lại, mổ lấy sạn túi mật, mổ khớp gối bị gai, mổ u não...Người nhà ai cũng tất bật với công việc chăm sóc bệnh nhân. Tôi trải chiếu dưới sàn nằm, người mỏi rã rượi, nhưng không chợp mắt được tí nào. Phải xoa bóp bệnh nhân, phải động viên, phải trợ giúp tiểu tiện...
Bất chợt một bệnh nhân thần kinh giường bênh cạnh la toáng lên, ông ta đau nhức toàn thân, không ngủ được. Làm cho mọi người bừng tỉnh dậy, người nhà tôi thì tim muốn nhảy ra ngoài. Ông ta nhảy xuống giường đòi tự tử, lao đầu vào thành giường cho chết để thoát khỏi cái đau của thể xác. Mọi người nhà các bệnh nhân trong phòng đều lao đến chống đỡ, ngăn hành động tự sát của ông ta. Khổ thân bà vợ ông ta, như người thất thần, cả đêm không ngủ được, cứ xoa bóp, nắn chân tay, đầu cổ, thế mà vẫn không làm cho bệnh nhân im dịu được. Rồi báo tin cho BS, họ cho người đến tiêm thuốc ngủ. Một lúc yên ắng lại nổi lên một trận lao đầu tự sát và la hét kinh hoàng của ông ta nữa. Tôi nằm dưới sàn đối diện giường của ông ta, lúc nào cũng cảnh giác, giữ thế, nếu có hành động nào của ông ta liền bật dậy chống đỡ, ngăn cản kịp thời, không để sự cố xảy ra. Sự việc xảy ra ba lần tương tự, không ai ngủ được cả. Người nhà thấy phiền, cả vợ và con trai đưa ông ra ngoài đi lại trên hành lang. Bảo vệ lại đuổi vào phòng, BS lại cho chích thuốc an thần liều cao và rồi ông ta cũng ngủ được qua đêm. Một đêm thật kinh hoàng! Thương thay cho kiếp người không qua khỏi ải sinh, lão bệnh, tử.

tiengsonca